Thiết bị lưu trữ NAS là gì?

NAS viết tắt của Network Attached Storage hay còn gọi là ổ cứng mạng. Thiết bị lưu trữ NAS được sử dụng để lưu trữ dữ liệu theo phương thức tập trung giúp cho việc quản lý dễ dàng hơn. NAS là thiết bị được gắn chung vào một mạng nội bộ và có thể được chia sẻ với nhiều máy tính khác nhau trong cùng mạng đó. NAS có thể lưu trữ, chia sẻ file hay streaming dữ liệu đa phương tiện hoặc ở một số model cao hơn có thể truy cập từ xa qua mạng Internet.

Bộ lưu trữ NAS của QSAN

NAS có kiến trúc tương tự như một máy tính với bộ vi xử lý CPU (có thể là ARM ở các model giá rẻ hoặc Intel cho các model ở mức giá cao hơn). NAS thường có sẵn hệ điều hành đi cùng có thể là một phiên bản rút gọn dựa trên Linux có khả năng kết nối qua mạng có dây hoặc không dây Wifi. 

Thiết bị lưu trữ NAS sử dụng ổ cứng để lưu trữ dữ liệu, có thể sử dụng ổ cứng 3.5inch hoặc ổ cứng 2.5inch. Để tăng hiệu năng ghi, đọc của thiết bị có thể sử dụng các loại ổ cứng SSD thế hệ mới cho tốc độ truy xuất khá nhanh.

Thiết bị NAS có thể được sử dụng với mục đích lưu trữ cá nhân hoặc lưu trữ doanh nghiệp nhỏ. Đối với những doanh nghiệp lớn, NAS có thể là một lựa chọn cơ bản sau SAN. Ở mức độ ứng dụng cho doanh nghiệp, NAS có thể được sử dụng như một máy chủ web hỗ trợ web server, PHP hay MySQL.

Về mặt phân khúc sản phẩm, có các loại NAS phục vụ nhu cầu cá nhân với cấu hình vừa phải có thể hỗ trợ 2 tới 8 ổ cứng đồng thời. Với NAS phục vụ nhu cầu doanh nghiệp sẽ hỗ trợ thêm một số tính năng cao hơn như giao tiếp iSCSI, RAID, phục hồi dữ liệu, sao lưu dữ liệu, máy chủ web, tường lửa, …

Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có rất nhiều tên tuổi nhà sản xuất thiết bị NAS từ các phân khúc tầm thấp tới phân khúc cao cấp như Synology, QSAN, QNAP.

Một số tiêu chí lựa chọn thiết bị lưu trữ NAS:

Dung lượng lưu trữ:
Hiện nay, giá các loại NAS đang ở mức rất cạnh tranh. Người dùng có thể lựa chọn các thiết bị NAS hỗ trợ 2 đến 4 ổ cứng gắn trong. Với dung lượng tối đa mỗi ổ cứng 3.5inch là 14TB thì một bộ NAS 2 ổ cho dung lượng lên tới 28TB đủ phục vụ nhu cầu lưu trữ dung lượng khá phong phú. 

Với các loại NAS hỗ trợ ổ cứng gắn trong, người dùng có thể dễ dàng gắn ổ cứng mà không cần thao tác đặc biệt. Nhưng với mỗi thiết bị NAS từ mỗi nhà sản xuất khác nhau, một danh sách ổ cứng tương thích sẽ được công bố trên website của họ. Để tối ưu năng lực thiết bị, người dùng nên tham khảo và lựa chọn những ổ cứng đã được kiểm tra bởi nhà sản xuất.

Với các thiết bị NAS cho doanh nghiệp, bản thân nó có thể được mở rộng dung lượng lưu trữ bằng cách gắn thêm các bộ DAS (direct attach storage) cho tổng dung lượng tới hàng ngàn TB.

Phương thức kết nối:

Thiết bị lưu trữ NAS có thể hỗ trợ giao diện Gigabit Ethernet hay thậm chí 10Gb/s hay cao hơn nữa. Một số thiết bị NAS hỗ trợ chức năng Port Trunking trên 2 cổng Ethernet, giúp thiết bị luôn được kết nối ngay cả khi một trong 2 cổng gặp sự có. NAS cũng có thể hỗ trợ DHCP tự động nhận địa chỉ từ mạng cho phép quản lý thiết bị từ xa qua mạng LAN.

Một số NAS hỗ trợ kết nối không dây nhưng ở mức giá khá cao. Tuy nhiên trong một số ứng dụng, tốc độ mạng Wifi bị hạn chế công nghệ ở mức 450Mbps khá chậm so với cổng GbE.

Bộ vi xử lý:
Bộ NAS có bộ vi xử lý, RAM tương tự như những chiếc máy tính thông thường. NAS có thể dùng bộ xử lý giá rẻ ARM hay chip Intel cao cấp cho tốc độ xử lý tốt hơn. Tuy nhiên chỉ với ứng dụng lưu trữ và chia sẽ, streaming, một bộ NAS cao cấp chỉ cần sử dụng các bộ vi xử lý Intel Celeron là có thể đáp ứng được yêu cầu. 

Không phải NAS nào cũng hỗ trợ việc nâng cấp RAM, một số được hàn chết vào trong mainboard.

Hệ điều hành:
Hầu hết NAS trên thị trường đều hỗ trợ Windows, một phần hỗ trợ MacOS, Linux. Nếu bạn không sử dụng Windows, cũng nên tìm hiểu kĩ thiết bị mình định mua có hỗ trợ hệ điều hành mà bạn đang sử dụng hay không.

Hệ điều hành trên thiết bị NAS của QSAN

Các tính năng nâng cao:
NAS hỗ trợ RAID cho phép đảm bảo an toàn dữ liệu. Trong một số trường hợp sự cố, dữ liệu của bạn có thể không cánh mà bay, việc NAS hỗ trợ những tính năng giúp phục hồi dữ liệu hay sao lưu dữ liệu là một cứu cánh tuyệt vời trong trường hợp này.

Hệ điều hành NAS hỗ trợ Web server, Mail server, MySQL server

Những thiết bị NAS có thể hỗ trợ thay nóng ổ cứng, cho phép bạn thay ổ cứng khác ngay cả khi thiết bị đang hoạt động. Hay NAS hỗ trợ lưu trữ dữ liệu trên cloud. Việc này khá hữu ích trong trường hợp dữ liệu quan trọng và giúp người dùng luôn lưu trữ ở 2 nơi khác nhau.

Độ ồn:
Đặt một bộ NAS trên bàn làm việc, bạn sẽ không muốn nó kêu ù ù ảnh hưởng đến hiệu suất công việc của bạn. Một số NAS có bộ tản nhiệt không tốt nên khá ồn ào kết hợp với tiếng quay của ổ cứng sẽ làm bạn khá khó chịu. Bạn nên tìm hiểu thông số độ ồn của thiết bị NAS khi định sắm cho mình một bộ tại nhà.

Tiêu hao điện năng:
Đây không phải là một vấn đề quá lớn vị NAS hiện nay có mức độ tiêu thụ điện khá thấp. Đối với dòng NAS cho doanh nghiệp, bạn có thể quản lý được dòng điện của CPU.

Phần mềm:
Hệ điều hành mặc định theo kèm sản phẩm sẽ giúp bạn lưu trữ, chia sẻ, streaming dễ dàng. Một số nhà sản xuất NAS sẽ tích hợp những tính năng hữu ích vào sản phẩm như web server, FTP, BitTorrent, …

Bảo mật:
Đây là một vấn đề quan trọng đối với dữ liệu quý giá của bạn. Hãy cân nhắc lựa chọn bộ NAS có tính năng bảo mật, mã hóa dữ liệu, quét virus hay Firewall.